Khi thai nhi 26 tuần tuổi, mẹ chuẩn bị bước vào quý thứ ba – quý cuối của thai kỳ, bạn sẽ cảm nhận được những khác biệt diễn ra từng ngày, từng tuần. Không có bất kỳ khung chuẩn nào cho việc liệu mẹ có cảm giác thoải mái và tràn đầy năng lượng, hay mẹ luôn thức dậy cảm thấy kiệt quệ, mỏi mệt. Điều duy nhất mẹ có thể làm để bản thân ổn hơn là hòa nhịp với những thay đổi trong cơ thể và cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ. Bancungcon.com giúp các mẹ hiểu thêm về sự phát triển của thai nhi tuần 26.
1. Sự phát triển của thai nhi tuần 26
Ở tuần thứ 26 của thai nhi, đôi mắt của thai nhi vẫn nhắm chặt, nhưng vào một khoảnh khắc nào đó, đôi mắt ấy sẽ lần đầu mở ra. Tuy bé vẫn chưa nhìn thấy được gì trong tử cung của mẹ, bé sẽ chớp và nhắm mắt khi bé đi ngủ và tỉnh giấc. Bé vẫn nhìn thật gầy, nhưng bé sẽ tích mỡ và tăng cân dần dần trong những tuần thai còn lại.
Hãy tưởng tượng em bé của mẹ đang có kích thước tương tự một củ cải đường, với chiều dài tầm 35,6 cm và nặng khoảng 907 gram. Tử cung đang trở nên chật chội với bé, và mẹ sẽ cảm thấy càng lúc càng khó chịu khi bé đạp và duỗi người.
Do sự tăng trưởng, bé bắt đầu hết không gian để nhào lộn như trước đây, tuy vậy, vẫn có đủ chỗ để bé tập trước cho ngày chào đời. Vào tuần thứ hai mươi sáu, bé thường lựa chọn tư thế chào đời, thường là đầu xuống dưới, cũng có khi một số bé ở giai đoạn này lại nằm ngang bụng mẹ, gọi là thai ngôi ngang.
Hệ mạch máu và hệ tuần hoàn của bé đã có đầy đủ chức năng. Tim bé đang bơm máu, các mạch máu đã được phát triển và thực hiện vai trò của mình. Phổi của bé cũng đang phát triển mạch máu ở giai đoạn này. Do phổi vẫn chưa phát triển hoàn toàn, những em bé sinh non ở tuần thai này thường mắc phải các vấn đề hô hấp, nhưng theo lý thuyết, các bé vẫn có thể sống sót, nghĩa là nếu chẳng may mẹ sinh non, bé vẫn có cơ hội sống tiếp. Tuy vậy, chúng ta phải tránh trường hợp này hết mức có thể, để bé có thêm thời gian để phát triển phổi và não bộ trong bụng mẹ.
Dây rốn hiện khoẻ và dày hơn, cung cấp cho em bé tất cả dinh dưỡng cần thiết. Càng gần lúc sinh, mẹ càng có cảm giác muốn ăn là do đây, tuy nhiên, mẹ nên giữ chế độ ăn khoẻ mạnh, tránh ăn ngọt và ăn vặt.
Hãy luôn nhớ rằng lựa chọn ăn uống của mẹ cũng ảnh hưởng đến tình trạng của các mạch máu nuôi bé, vốn không được đàn hồi tốt như các mạch máu của mẹ. Để nhau thai và dây rốn khỏe mạnh, mẹ hãy ăn nhiều rau xanh như rau chân vịt, bông cải xanh và dưa chuột, cũng như nhiều thịt nạc là nguồn cung cấp sắt mẹ nhé!
2. Cơ thể của mẹ vào tuần thứ 26
Ở giai đoạn này, mẹ tăng tầm 9-10,5 kg. Cân nặng tăng thêm có thể gây khó chịu cho mẹ, và những thay đổi hình thể quá lớn khiến mẹ cảm thấy không vui tí nào với diện mạo lúc này. Hầu hết các bà mẹ sẽ tăng tầm 9-13,6kg trong suốt thai kỳ.
Trung bình mẹ cần 2000 đến 2.500 kcal mỗi ngày suốt thai kỳ. Nhu cầu năng lượng tăng tầm 500 kcal một ngày khi cho con bú, vậy nên mẹ không cần tăng thêm cân vô nghĩa. Sau sinh, mẹ sẽ dần dần mất lượng cân thừa vì em bé đã ra đời và mẹ sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng khi cho bé bú.
Thường thì trong giai đoạn này rốn của mẹ đã bị đẩy lồi ra ngoài, và làn da có cảm giác căng và ngứa. Hãy chú ý dưỡng ẩm và cung cấp đủ nước để tăng độ đàn hồi cho da mẹ nhé!
3. Các triệu chứng trong tuần thai thứ 26
Vào tuần thứ hai mươi sáu, cơn go sinh lí Braxton Hicks xảy ra thường xuyên và mạnh hơn những tuần trước đó. Và vì bé đang tăng nhiều áp lực hơn lên bàng quang của mẹ, mẹ sẽ phải đi vệ sinh nhiều hơn. Mẹ cũng sẽ thấy đau dưới sườn và lưng dưới do bé đang phát triển nhanh và hay duỗi người để thoải mái hơn trong dạ con. Để giảm đau, mẹ có thể thay đổi tư thế và đặt gối dưới lưng để cảm thấy thoải mái hơn. Mẹ có thể phải trải qua chứng khó ngủ khi mang thai do đau lưng và những cảm giác không thoải mái trong cơ thể.
4. Điều mẹ nên làm vào tuần thai thứ 26
Thường thì khi siêu âm thai ở tuần thai này mẹ sẽ thấy bé lấy tay che mặt, có khi bé lại thè lưỡi ra ngoài. Vận động và phối hợp vận động của bé cũng tốt hơn. Giới tính của bé cũng dễ xác định với độ chính xác cao hơn.
Hãy đi khám ngay nếu mẹ thấy đau nặng hơn bất thường, một số cơn đau bình thường như đau lưng dưới, đau sườn, chân và đầu gối do tăng cân. Nhưng nếu mẹ cảm thấy những cơn đau này không bình thường, hãy gọi cho bác sĩ ngay. Mẹ cũng nên báo cho bác sĩ nếu thấy cổ chân hoặc đầu gối bắt đầu sưng, đặc biệt khi sưng đột ngột và chưa từng bị trước đây. Giai đoạn này mẹ cũng hay bị đau đầu hoặc đau nửa đầu, nhưng mẹ nên đi khám nếu đau đầu tăng về mức và tần suất.
Cung cấp đủ nước là điều quan trọng nhất khi mẹ bước vào quý thứ ba của thai kì, uống đủ nước sẽ đảm bảo bé có nguồn nước ối đầy đủ, và mẹ sẽ không bị mệt hay táo bón. Mẹ không cần buộc bản thân phải uống nước càng nhiều càng tốt, nhưng mẹ hãy uống nước ngay khi thấy khát mẹ nhé!
Tầm soát tiểu đường thai kỳ nếu mẹ chưa làm xét nghiệm trong những tuần thai trước.
Lên lịch ăn thường xuyên với các thức ăn khoẻ mạnh nhằm tránh ăn vặt đồ ngọt và đồ ăn không lành mạnh.
Theo dõi sự chuyển động và những lần đạp của thai nhi
5. Những dấu hiệu bất thường cần hỏi ý kiến bác sĩ
Điều cần thiết là mẹ cần liên lạc với bác sĩ thường xuyên suốt thai kỳ để giải đáp các thắc mắc và khiến mẹ yên tâm. Những vấn đề như những cử động của thai nhi, tốc độ tiến triển và tần suất đạp của bé cũng là mối quan ngại với những ông bố bà mẹ còn bỡ ngỡ. Hãy hỏi ý kiến của chuyên gia phương pháp theo dõi cử động và những cú đạp của em bé, và lúc nào cần kiểm tra nếu mẹ thấy bé hoạt động quá nhiều hay quá im ắng.
Sưng nề là triệu chứng thường thấy trong thai kỳ, nhưng hãy tham vấn ý kiến chuyên môn trong trường hợp mẹ phù nhiều cổ chân và các khớp. Không có tiêu chuẩn chung nào cho tất cả các bà mẹ trong vấn đề này, nên bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ các dấu hiệu phù nề nguy hiểm. Bác sĩ cũng sẽ cung cấp cho mẹ các thông tin về Hội chứng TORCH (một nhóm rộng các bệnh lý có thể gây ra các quá trình lây nhiễm trong khi mang thai hoặc khi sinh) và sự nguy hiểm của nhiễm trùng thai.
Nếu mẹ đang phải đương đầu với những nỗi lo âu và bối rối suốt thai kỳ, mẹ hãy hỏi ý kiến chuyên gia về phương pháp kiểm soát những căng thẳng để giữ tinh thần thoải mái nhất.
Trên đây là những điều cần chú ý khi mang thai trong thai nhi tuần 26 bao gồm sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ và cả chế độ dinh dưỡng cho bà bầu. Điều quan trọng hơn cả là thường xuyên theo dõi, thăm khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời phát hiện những bất thường nếu có và kịp thời can thiệp, hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của bé. Bancungcon.com chúc sức khỏe các mẹ và thai nhi!